Chuẩn Định Cách Dùng Từ Ngữ Trong Thánh Kinh Việt Ngữ

10,547 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ngoại trừ một phần rất ít [1] được viết bằng tiếng A-ra-mai (Aramaic), Thánh Kinh được viết bằng hai ngôn ngữ chính, là tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) và tiếng Hy-lạp (Greek). Từ các bản nguyên ngữ, Thánh Kinh đã được dịch ra trên ba ngàn ngôn ngữ khác nhau [2], trong đó có tiếng Việt Nam.

Bản dịch trọn bộ Thánh Kinh Việt ngữ đầu tiên, do nhà văn Phan Khôi hoàn tất năm 1925 và phát hành năm 1926 [3]. Từ đó đến nay, đã có trên mười bản dịch Việt ngữ khác, do các nhóm hay các cá nhân thuộc Công Giáo La-mã hoặc các Giáo Hội Tin Lành thực hiện. Dân tộc Việt Nam không thiếu các bản dịch Thánh Kinh trọn bộ. Tuy nhiên, có một thiếu sót chung cho tất cả các bản dịch Việt ngữ, là không có sự chuẩn định cách dùng từ ngữ trong Thánh Kinh Việt ngữ.

Bản dịch Phan Khôi được khởi công từ năm 1916, vào thời điểm chữ Quốc Ngữ vẫn chưa được thông dụng. Có thể nói, chính bộ Thánh Kinh Việt ngữ phát hành năm 1926 đã đóng góp rất lớn, cho việc phát triển và phổ biến chữ Quốc Ngữ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học Việt Nam, mà sau đó đã được kế tục bởi nhóm Tự Lực Văn Đoàn (được thành lập vào năm 1933). Thánh Kinh Việt ngữ đã đem lại nhiều từ ngữ và ý tưởng thần học mới lạ, cho ngôn ngữ Việt. Tuy nhiên, chính vì sự non trẻ của chữ Quốc Ngữ, mà tiếng Việt rất thiếu về từ liệu (chữ dùng để diễn đạt), lại không có sự chuẩn định thống nhất về ý nghĩa và ngữ pháp. Cho đến thời điểm bài này được viết (12/2009), thì các bộ tự điển, từ điển, văn phạm tiếng Việt cũng chưa vượt quá số đầu ngón tay, và cũng không được thường xuyên cập nhật.

Sự thiếu từ liệu và không chuẩn định trong việc dùng từ ngữ, đã khiến cho các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ có nhiều chỗ khó hiểu hoặc bị dịch sai, hiểu sai. Hầu hết những người Việt biết ngoại ngữ đều kinh nghiệm rằng, có những câu Thánh Kinh trong bản dịch Việt ngữ, dù đã đọc tới đọc lui nhiều lần, vẫn không sao hiểu được. Nhưng cũng câu đó, khi được đọc trong một bản dịch của ngôn ngữ khác, như Anh ngữ chẳng hạn, thì hiểu được ngay. Điểm trớ trêu này càng nổi bật, khi độc giả nói giỏi tiếng Việt và chỉ hiểu biết tiếng Anh một cách giới hạn.

Dưới đây là trường hợp điển hình, cho thấy cần có một sự chuẩn định cách dùng từ ngữ trong Thánh Kinh Việt ngữ.

Hồn, Linh, hay Linh Hồn

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “nephesh” bao gồm các nghĩa: hồn, sự sống, bản ngã, thân vị, vật có hơi thở…; còn chữ “ruach” bao gồm các nghĩa: thần, linh, hơi thở, gió…; và chữ “chay” có nghĩa là sống. Bản Dịch Phan Khôi dịch “nephesh” là “vật” trong Sáng Thế Ký 1:21:

Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật (nephesh) sống (chay) hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:21);

dịch là “linh” trong sáng Thế Ký 2:7:

Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh (chay) linh (nephesh)” (Sáng Thế Ký 2:7);

và dịch là “linh hồn” trong Sáng Thế Ký 27:4:

dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn (nephesh) cha chúc phước cho con trước khi chết” (Sáng Thế Ký 27:4).

Khi so sánh Sáng Thế Ký 1:21 và 2:7 trong nguyên ngữ, chúng ta thấy cả hai câu dùng cùng một từ ngữ “nephesh chay,” có nghĩa là hồn sống, mà Bản Dịch Phan Khôi đã dịch là “vật sống” và “sanh linh.” Sáng Thế Ký 27:4 trong nguyên ngữ dùng chữ “nephesh,” mà Bản Dịch Phan Khôi đã dịch là “linh hồn.” Điều này dẫn đến nan đề sau đây:

Trong tiếng Anh, “nephesh” là “soul,” nghĩa là “hồn” trong tiếng Việt; và trong tiếng Anh “ruach” là “spirit,” nghĩa là “linh” trong tiếng Việt. Vậy mà, trong ba câu được dịch nêu trên, chúng ta không thấy có sự phân biệt giữa “hồn” (nephesh/soul) và “linh” (ruach/spirit) như trong nguyên ngữ và trong tiếng Anh.

Khi sang đến Tân Ước, Bản Dịch Phan Khôi cũng gặp trở ngại trong việc phân biệt giữa hồn và linh. Trong tiếng Hy-lạp, chữ “psuche” bao gồm các nghĩa: hồn, hơi thở của sự sống…; còn chữ “pneuma” bao gồm các nghĩa: thần, linh, làn gió…; nhưng hầu hết các chữ “psuche” đều được Bản Dịch Phan Khôi dịch là “linh hồn.”

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 là câu Thánh Kinh cùng một lúc sử dụng cả “psuche” và “pneuma,” thì được Bản Dịch Phan Khôi dịch như sau:

Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần (pneuma), linh hồn (psuche), và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!”

Ngày nay, từ ngữ “tâm thần” thường được dùng với ý nghĩa “tình trạng tâm lý” như trong nhóm chữ: “bệnh viện tâm thần,” cho nên, dịch “psuche” là “tâm thần” cũng không ổn. Riêng Hê-bơ-rơ 4:12 thì được dịch một cách chính xác nhất:

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn (psuche), linh (pneuma), cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”

Vì các chữ: nephesh, ruach và pseche, pneuma đều bao gồm nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo văn cảnh, và ngữ pháp, cho nên, trong tiếng Việt chúng ta cần chuẩn định ý nghĩa của các chữ: linh, hồn, và linh hồn. Trong đó, linh hồn là danh từ tập hợp của hai từ: linh và hồn. Dưới đây là gợi ý:

1. Dùng chữ hồn để dịch các chữ nephesh và pseche với các nghĩa:

a) Nội tại của loài người, bao gồm: tình cảm, lý trí, và ý chí.

b) Sự sống của loài người hoặc loài thú.

c) Hơi thở.

d) Bản ngã hoặc thân vị của một người.

2. Dùng chữ thần để dịch các chữ ruach và pneuma với các nghĩa:

a) Bản thể và thân vị của Thiên Chúa Ba Ngôi.

b) Bản thể và thân vị của các thiên sứ (thiện lẫn ác).

c) Nội tại của loài người, bao gồm: trực giác, lương tâm, và đức tin. Nhờ có thần mà loài người mới có ý thức về Đức Chúa Trời, có lương tâm đạo đức, có khuynh hướng và khả năng tín ngưỡng, thờ phượng.

d) Thần khí (hơi thở của Thiên Chúa): sự sống và năng lực đến từ Thiên Chúa.

e) Làn gió, luồng gió: sự di chuyển của không khí.

3. Dùng chữ linh hoặc thần linh để dịch ruach và pneuma với các nghĩa:

a) Gọi các thân vị của Thiên Chúa Ba Ngôi, như thân vị của Ngôi Cha được gọi là Thần Linh của Đức Chúa Cha, thân vị của Ngôi Con được gọi là Thần Linh của Đấng Christ, và thân vị của Ngôi Ba được gọi là Đức Thánh Linh hoặc Đấng Thần Linh.

b) Gọi thân vị của các thiên sứ. Đối với các thiên sứ ác nhiều khi Thánh Kinh kèm theo các chữ: tà, uế, ác. Khi đó sẽ dịch là tà linh, uế linh, ác linh.

c) Sự sống và năng lực của Đức Chúa Trời tuôn đổ cho loài người; khi đi chung với chữ “thánh,” thì dịch là “Thánh Linh,” như trong: “báp-tem bằng Thánh Linh,” “được đầy dẫy Thánh Linh.”

d) Cảm xúc hoặc khuynh hướng nội tại của loài người như: linh buồn bực, linh ghen tương, linh sợ hãi, linh tham lam…. Những điều này chỉ là trạng thái, khuynh hướng, cảm xúc nội tại của một người chứ không phải có một tà linh nào đó mang tên ghen tương, sợ hãi hay tham lam nhập vào, điều khiển người ấy.

4. Chữ tâm nghĩa đen là trái tim, nghĩa bóng là tấm lòng, để chỉ phần trung tâm của mọi cảm xúc, tri thức, và ý chí của loài người, cho nên, nó đồng nghĩa với chữ hồn. Các chữ “leb/lebab” (Hê-bơ-rơ) và “kardia” (Hy-lạp) trong Thánh Kinh cũng có nghĩa đen là trái tim và nghĩa bóng là tấm lòng, và thường được dùng tương tự như các chữ nephesh và pseche.

Bản thân chúng tôi cũng đã dùng quen chữ tâm thần và linh hồn theo cách dịch của Bản Dịch Phan Khôi; nhưng ý thức được những trở ngại như đã nêu trên, và ý thức đó đã trở thành sự ray rứt trong nhiều năm qua. Chúng tôi viết bài này không phải để phủ nhận giá trị của các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ đã có. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây, là đã đến lúc để chuẩn định cách dùng từ ngữ trong Thánh Kinh Việt ngữ. Việc làm này sẽ giúp thống nhất các từ liệu trong Thánh Kinh và thần học; giúp ích rất nhiều cho việc hiệu đính các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ, việc phiên dịch Thánh Kinh Việt ngữ trong tương lai, và việc biên soạn các bộ tự điển, từ điển Thánh Kinh hoặc thần học.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/12/2009

Ngữ vựng

1. Chuẩn định: Chuẩn là phép tắc, luật lệ; định là đặt ra. Chuẩn định là đặt ra phép tắc, quy luật.

2. Nephesh: Ký hiệu phát âm: [neh’-fesh]. Mã số Tự Điển Hê-bơ-rơ Anh của Strong’s: H5315. Dịch sang tiếng Việt: Hồn.

3. Ruach: Ký hiệu phát âm: [roo’-akh]. Mã số Tự Điển Hê-bơ-rơ Anh của Strong’s: H7307. Dịch sang tiếng Việt: Linh hoặc thần hoặc thần linh.

4. Pneuma: Ký hiệu phát âm: [pnyoo’-mah]. Mã số Tự Điển Hy-lạp Anh của Strong’s: G4151. Dịch sang tiếng Việt: Linh hoặc thần hoặc thần linh.

5. Psuche: Ký hiệu phát âm: [psoo-khay’] Mã số Tự Điển Hê-bơ-rơ Anh: G5590. Dịch sang tiếng Việt: Hồn.

Ghi Chú

[1] Ê-xơ-ra 4:8-6:18; 7:12-26; Giê-rê-mi 10:11; Đa-ni-ên 2:4-7:28

[2] http://www.wycliffe.org/About/Statistics.aspx

[3] http://www.vnbaptist.net/Tai_Lieu/QuaTrinh.htm

[4] Sáng Thế Ký 1:26, 27; Giăng 4:24