Thiên Chúa, Đức Chúa Trời, Thể Trạng của Thiên Chúa

5,513 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Thiên Chúa – Đức Chúa Trời

Thánh Kinh là nguồn duy nhất và đáng tin cậy để dạy chúng ta về Thiên Chúa, vì Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa có nghĩa là: Đấng Duy Nhất Đời Đời và Tự Có, Đấng Tạo Hóa và Bảo Tồn Muôn Vật. Một Thiên Chúa thực hữu trong Ba Thân Vị và trong Một Thực Thể: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. (Khi tương tác với loài người thì được gọi là Thiên Chúa Đức Cha, Thiên Chúa Đức Con, và Thiên Chúa Đức Thánh Linh.)

Thánh Kinh được viết hầu hết trong tiếng Hê-bơ-rơ (Cựu Ước) và tiếng Hy-lạp (Tân Ước), chỉ trừ một phần nhỏ của Cựu Ước được viết bằng tiếng A-ra-mai (E-xơ-ra 4:8-6:18; 7:12-26; Đa-ni-ên 2:4b-7:28). Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, có sự phân biệt rõ ràng khi dùng các danh từ chỉ chung về ba thân vị của Thiên Chúa và khi chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha, bằng cách không dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ chung cả ba thân vị hay bất cứ thân vị nào trong ba thân vị của Thiên Chúa, và dùng mạo từ xác định cho các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha. Tuy nhiên, khi Thánh Kinh được dịch sang tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác thì cách dùng ấy đã bị mất đi.

Dưới đây là danh sách các danh từ chỉ chung về ba thân vị của Thiên Chúa (không có mạo từ xác định) và các danh từ chỉ riêng về Thiên Chúa Đức Cha (có mạo từ xác định) trong mỗi ngôn ngữ của Thánh Kinh, kèm theo mã số Strong, theo thứ tự xuất hiện của chúng trong Thánh Kinh. Mã số Strong là hệ thống ký hiệu số dùng để tra nghĩa các từ ngữ trong Thánh Kinh qua bộ từ điển Hê-bơ-rơ Anh và Hy-lạp Anh do Strong biên soạn. Các bộ từ điển khác cũng dùng hệ thống mã số này. Bạn đọc có thể bấm vào mã số Strong trong bài viết này để vào trang từ điển trên mạng, liệt kê ý nghĩa trong tiếng Anh của từ ngữ ấy. H tiêu biểu cho tiếng Hê-bơ-rơ và A-ra-mai (Hebrew and Aramaic). G tiêu biểu cho tiếng Hy-lạp (Greek).

Trong tiếng Hê-bơ-rơ:

  • אלהים (‘elohiym) /ê-lô-him/ H430 không có mạo từ xác định: Thiên Chúa (God).

  • האלהים (ha ‘elohiym) /ha ê-lô-him/ H430 có mạo từ xác định: Đức Chúa Trời (the God).

  • אל (el) H410 /eo/ không có mạo từ xác định: Thiên Chúa (God).

  • האל (ha el) /ha eo/ H410 có mạo từ xác định: Đức Chúa Trời (the God).

  • אלה / אלוה (‘elowahh) /ê-lô-a/ H433 không có mạo từ xác định: Thiên Chúa (God).

Trong tiếng A-ra-mai:

  • אלה (elahh) /ê-la/ H426 không có mạo từ xác định: Thiên Chúa (God).

  • אלהא (elahh ah) / ê-la a/ H426 có mạo từ xác định: Đức Chúa Trời (the God).

Trong tiếng Hy-lạp:

  • θεός (theos) / thê-ốt/ G2316 không có mạo từ xác định: Thiên Chúa (God).

  • ο θεός (ho theos) /ho thê-ốt/ G2316 có mạo từ xác định: Đức Chúa Trời (the God).

Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, tất cả các danh từ trên đây đều được dịch thành “Đức Chúa Trời” bất kể là trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có dùng hay không có dùng mạo từ xác định. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà các dịch giả chọn dịch như vậy.

Trong Thánh Kinh Anh ngữ tất cả các danh từ trên đây đều được dịch thành “God” bất kể là trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có dùng hay không có dùng mạo từ xác định, mặc dù trong tiếng Anh có mạo từ xác định “the”. Lý do là vì các danh từ “god” đã được viết hoa để làm thành một tên riêng, và trong tiếng Anh thì tên riêng không có mạo từ xác định.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về ý nghĩa giữa “god” không có mạo từ xác định với “god” có mạo từ xác định trong các ngôn ngữ của Thánh Kinh:

  • Nếu không có mạo từ xác định thì tất cả các danh từ chỉ về Thiên Chúa trong các tiếng Hê-bơ-rơ, A-ra-mai, và Hy-lạp của Thánh Kinh đều được dùng để chỉ chung cả Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc bất cứ ngôi nào trong ba ngôi, và có thể dịch sang tiếng Anh là “God”, dịch sang tiếng Việt là “Thiên Chúa”.

  • Nếu có mạo từ xác định thì tất cả các danh từ chỉ về Thiên Chúa trong các tiếng Hê-bơ-rơ, A-ra-mai, và Hy-lạp của Thánh Kinh đều được dùng để chỉ Thiên Chúa Đức Cha, và có thể dịch sang tiếng Anh là “the God”, dịch sang tiếng Việt là “Đức Chúa Trời”. Ngoại trừ trong Hê-bơ-rơ 1:8-9 thì θεός với mạo từ xác định được dùng để chỉ cả Thiên Chúa Đức Cha và Thiên Chúa Đức Con. Lý do là Thiên Chúa Đức Cha đã ban danh của Ngài cho Thiên Chúa Đức Con như đã được nói đến trong Giăng 17:11. Chúng tôi dùng “*God” thay thế cho “the God” để giữ văn phong của tiếng Anh nhưng vẫn giúp người đọc biết đây là danh từ dùng để chỉ về Thiên Chúa Đức Cha trong nguyên ngữ của Thánh Kinh.

 “But to the Son: Thy throne, {O} *God, {is} forever and ever. A sceptre of righteousness {is} the sceptre of Thy reign. Thou have loved righteousness and hated lawlessness; therefore *God, Thy *God, has anointed Thee {with} the oil of gladness above Thy partners.” (Hebrews 1:8-9).

I am no more in the world, but these are in the world. I come to Thee. Holy Father! Keep them in Thy name which Thou have given me, that they may be one as we.” (John 17:11).

Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Ngài {còn đến} đời đời, cây gậy công chính {là} cây gậy của vương quốc Ngài. Ngài ưa điều công bình, ghét điều gian ác; Cho nên, hỡi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Ngài xức cho Ngài dầu vui mừng, {khiến Ngài} trội hơn những kẻ dự phần với Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, và con về cùng Ngài. Cha Thánh! {Xin} giữ gìn họ trong danh Ngài, {là} danh Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như chúng ta.” (Giăng 17:11).

Sự giữ lại mạo từ xác định của danh từ “Thiên Chúa” trong khi dịch giúp cho chúng ta hiểu Thánh Kinh rõ hơn. Đặc biệt, khi chúng ta hiểu rõ chức năng của mạo từ xác định trong tiếng Hy-lạp thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu Giăng 1:1.

Chức năng của mạo từ xác định trong tiếng Hy-lạp:

  • Để chỉ một tên riêng, như: ο ιησους (ho Iēsous) “Đức Jesus”.

  • Để chỉ một danh từ trừu tượng, như: ἡ σοφίᾱ (hē sophíā) “sự khôn sáng”.

  • Kết hợp với các tính từ sở hữu và các đại từ chỉ định trong các nhóm chữ, như: ἡ ἐμὴ πόλις (hē emḕ pólis) “thành phố của tôi” và αὕτη ἡ πόλις (haútē hē pólis) “thành phố này”.

  • Để xác định một danh từ là chủ từ trong một câu bất kể nó được đặt trước hay sau động từ, như: και θεος ην ο λογος (kai theos eimi ho logos), là câu phải được dịch là: “Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” (The Word was God) thay vì dịch “Thiên Chúa hằng là Ngôi Lời” (God was the Word).

  • Để nói đến một người, một vật, hay một sự việc đã được biết hay đã được nói đến trước đó.

  • Để biệt riêng hóa một danh từ, phân biệt đối tượng được nói đến với tất cả các đối tượng cùng loại khác, như: “Đức Chúa Trời” (the God) phân biệt Thiên Chúa Đức Cha với Thiên Chúa Ngôi Lời và Thiên Chúa Đấng Thần Linh.

  • V.v..

Chúng ta hãy xem xét Giăng 1:1 trong tiếng Hy-lạp:

εν αρχη ην ο λογος και ο λογος ην προς τον θεον και θεος ην ο λογος

Dưới đây là câu dịch từ chữ qua chữ

Tiếng Anh: εν (In) αρχη (beginning) ην (was) ο (the) λογος (Word) και (and) ο (the) λογος (Word) ην (was) προς (with) τον (the) θεον (God) και (and) θεος (God) ην (was) ο (the) λογος (Word)

Tiếng Việt: εν (Trong) αρχη (ban đầu) ην (hằng thực hữu/hằng có) ο (Ngôi) λογος (Lời) και (và/hoặc dấu chấm câu) ο (Ngôi) λογος (Lời) ην (hằng thực hữu/hằng có) προς (với) τον (Đức/Đấng) θεον (Thiên Chúa/Chúa Trời) και (và/hoặc dấu chấm câu) θεος (Thiên Chúa) ην (hằng là) ο (Ngôi) λογος (Lời)

Để có thể dịch Giăng 1:1 từ tiếng Hy-lạp sang tiếng Anh và tiếng Việt một cách sát nghĩa và chính xác thì chúng ta cần biết rằng:

  • Động từ ην tương đương với các động từ sau đây trong tiếng Anh: to be, to exist, to happen, to be present (“là, có, ở” trong tiếng Việt). Cả ba lần trong câu này nó được dùng với thì quá khứ chưa hoàn thành, thể chủ động, và thức chỉ định. Chức năng chính của thì quá khứ chưa hoàn thành là diễn đạt phương diện ngữ pháp chưa hoàn thành (vẫn đang tiếp diễn) trong ngữ cảnh thuật chuyện xảy ra thời quá khứ.

  • Liên từ και thường được dùng như một dấu chấm câu, để mở đầu một câu mới.

  • Mạo từ xác định ο chỉ định một danh từ là chủ từ trong một câu, bất kể nó đứng trước hay sau động từ.

Đây là bản dịch sát nghĩa và đúng của Giăng 1:1:

Tiếng Anh: In {the} beginning was the Word. The Word was with *God. The Word was God. [*God hàm ý: the God].

Tiếng Việt: Vào lúc ban đầu hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. [Chú ý cách dùng các danh từ “Đức Chúa Trời”, “Thiên Chúa”, và phân từ “hằng”].

Lúc ban đầu nói đến sự khởi đầu của sự sáng tạo, không phải sự khởi đầu của Ngôi Lời. Thiên Chúa tự thực hữu. Thiên Chúa không có bắt đầu và không có kết thúc. Vào lúc ban đầu của sự sáng tạo thì Ngôi Lời đã thực hữu và đã thực hữu với Đức Chúa Trời (Thiên Chúa Đức Cha). Ngôi Lời đã là Thiên Chúa.

θεος ην ο λογος chỉ có thể được dịch một cách chính xác là: “Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” (The Word was being God). Chúng ta hãy xem ý nghĩa khác nhau của các câu dưới đây:

(1) ο λογος ην θεος = Ngôi Lời hằng là một thần (The Word was a god).

(2) ο λογος ην ο θεος = Ngôi Lời hằng là Đức Chúa Trời (The Word was the God).

(3) θεος ην ο λογος = Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa (The Word was God).

Câu (1) có nghĩa là: Ngôi Lời hằng là một trong các thần linh do Thiên Chúa sáng tạo. Đây là sự giảng dạy của tôn giáo Chứng Nhân Giê-hô-va (Jehovah Witness).

Câu (2) khiến cho Ngôi Lời và Đức Chúa Trời cùng là một thân vị. Đây là sự giảng dạy của tôn giáo Ngũ Tuần Nhất Thể (Oneness Pentecostal).

Câu (3) là chính xác. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời hằng là Thiên Chúa, và như Đấng Thần Linh hằng là Thiên Chúa.

Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời không được dựng nên bởi Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời cũng không được sinh ra bởi Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời. (Tuy nhiên, thân thể xác thịt và máu của Ngôi Lời đã được sinh ra bởi Đức Chúa Trời trong lòng của Trinh Nữ Ma-ri và được sinh vào trong thế gian bởi Trinh Nữ Ma-ri.) Nếu Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa thì nhân loại không thể có sự cứu rỗi. Xin đọc bài “Sự Mầu Nhiệm của Tin Lành” [1].

Chúng tôi đề nghị và chúng tôi dùng “*God” trong tiếng Anh, để hàm ý từ ngữ ấy trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là một danh từ có mạo từ xác định, chỉ về Thiên Chúa Đức Cha, mà trong tiếng Việt chúng tôi dịch là “Đức Chúa Trời”. Chúng tôi đề nghị và chúng tôi dùng “God” trong tiếng Anh, để hàm ý từ ngữ ấy trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là một danh từ không có mạo từ xác định, chỉ chung về cả ba thân vị hay bất cứ thân vị nào trong ba thân vị Thiên Chúa, mà trong tiếng Việt chúng tôi dịch là “Thiên Chúa”.

Thể Trạng của Thiên Chúa

Trong tiếng Anh, danh từ “Godhead” được dùng để dịch một tính từ và hai danh từ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:

  • θεῖος (theios) G2304 (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29; II Peter 1:3-4), tính từ: Thuộc về bản chất, năng lực, và sự quan phòng… của Thiên Chúa.

  • θειότης (theiotēs) G2305 (Rô-ma 1:20), danh từ: Bản chất, các thuộc tính, và các đặc tính của Thiên Chúa.

  • θεότης (theotēs) G2320 (Cô-lô-se 2:9), danh từ: Trạng thái là Thiên Chúa, có hình thể và các tính chất của Thiên Chúa.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29 chúng tôi dịch là: “bản thể”. Giăng 4:24 cho chúng ta biết bản thể của Thiên Chúa là “thần” (spirit).

Trong II Phi-e-rơ 1:3-4 chúng tôi dịch là “thần lực” và “thần tính”. Sức mạnh và thuộc tính của Thiên Chúa.

Trong Cô-lô-se 2:9 chúng tôi dịch là “thể trạng của Thiên Chúa”. Thể trạng bao gồm bản thể và bản tính.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/14/2017

Ghi Chú

[1] http://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-1_21-29/

– Aaron D. Rubin, “Studies in Semitic Grammaticalization” (Eisenbrauns, 2005)

– “The Greek Article and case Ending”: http://inthesaltshaker.com/drills/article.htm

Tải xuống dạng pdf của bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNTE5MjExMjlf/ThienChuaDucChuaTroiTheTrangThienChua.pdf