Phép Ngoa Dụ Trong Thánh Kinh

12,415 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn nhập

Phép ngoa dụ (hyperbole) là hình thức dùng chữ hoặc lời nói, diễn tả vượt mức bình thường, để làm nổi bật một ý tưởng. Ngoa dụ là một từ Hán Việt. Ngoa có nghĩa là nói thêm ra, dụ là làm cho hiểu rõ ràng. Ngoa dụ nghĩa là nói thêm ra, để giúp cho người nghe hiểu được cái ý mà người nói muốn truyền đạt. Có sách văn phạm tiếng Việt không gọi là phép ngoa dụ, mà gọi là phép thậm xưng. Thậm xưng cũng là từ Hán Việt. Thậm có nghĩa là quá mức, xưng có nghĩa là gọi. Thậm xưng có nghĩa là gọi một điều gì đó quá mức.

Câu:”Đầu đội trời, chân đạp đất” là hình thức dùng phép ngoa dụ, để nhấn mạnh tính tình thẳng thắn của một người biết tự trọng, không khuất phục sự vô lý, bất công. Câu:”Một giọt máu đào hơn ao nước lã” cũng là hình thức dùng phép ngoa dụ, để nhấn mạnh sự thấm thiết của tình ruột thịt.

Ngoa dụ hay thậm xưng được dùng để làm nổi bật một ý tưởng, cho nên, người nghe không thể giải thích câu ngoa dụ theo nghĩa đen của câu văn. Phép ngoa dụ giúp cho người viết hay người nói không chỉ truyền đạt dữ kiện, mà còn truyền đạt cả tâm tư, cảm xúc của mình đến người đọc hoặc người nghe. Câu ngoa dụ không phải là một câu nói dối, vì giá trị của câu ngoa dụ không dựa vào nghĩa đen của câu nói, mà dựa vào ý mà tác giả muốn nhấn mạnh. Khi một người nói: “Điều đó làm cho tôi đau buồn đến đứt ruột, đứt gan!” Thì không có nghĩa là người đó nói dối, mà có nghĩa là người nói muốn nhấn mạnh sự đau buồn đối với người ấy quá to lớn, khó thể chịu đựng.

Lối sử dụng ngoa dụ trong mỗi ngôn ngữ có những sự khác biệt, vì yếu tố văn hóa. Phần lớn, mọi người đều có thiên tư, để nhận ra những câu ngoa dụ trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuy nhiên, khi đọc các tác phẩm ngoại ngữ, hay khi đối thoại với người ngoại quốc bằng ngoại ngữ, lắm khi chúng ta không nhận ra những câu ngoa dụ. Lý do là chúng ta cần phải sống lâu năm trong môi trường văn hóa của một ngôn ngữ, mới có thể nhận thức sâu sắc các hình thức diễn đạt của ngôn ngữ ấy.

Phép Ngoa Dụ Trong Thánh Kinh

Văn chương Thánh Kinh sử dụng rất nhiều phép ngoa dụ, nhất là trong các sách thuộc thể loại thi ca, tiên tri, và sách Châm Ngôn. Người đọc Lời Chúa cần biết phân biệt những câu dùng phép ngoa dụ trong Thánh Kinh, để hiểu đúng ý nghĩa của Lời Chúa. Một bộ giải kinh lý tưởng sẽ giúp cho độc giả của Thánh Kinh nhận ra và hiểu ý các câu ngoa dụ trong Thánh Kinh. Ngược lại, có nhiều trường hợp các nhà giải kinh giải thích những câu ngoa dụ theo nghĩa đen. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sự giải kinh sai dẫn đến sự tạo ra những giáo lý sai lầm.

Chúng ta có thể dựa vào một số nguyên tắc sau đây để nhận biết những câu ngoa dụ trong Thánh Kinh:

1. Khi câu nói diễn tả một sự kiện không thực tế.

Ma-thi-ơ 7:3-5 điển hình cho nguyên tắc này: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết, phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” Cái rác và cây đà không thể ở trong con mắt! Chúa đã dùng phép ngoa dụ để nhấn mạnh ý chính mà Chúa muốn truyền đạt, là sự giả hình của những người lên án tội lỗi của người khác mà bản thân mình lại phạm tội trầm trọng hơn. Ma-thi-ơ 23:24 cũng thuộc về nguyên tắc này: “Hỡi kẻ mù dẫn đường, các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!” Chúa đã dùng phép ngoa dụ để nói lên sự tối tăm thuộc linh cùng tính tham lam của các thầy thông giáo và giới Pha-ri-si thời đó. “Kẻ mù dẫn đường:” Không hiểu biết Lời Chúa mà giữ chức vụ giảng dạy Lời Chúa. “Lọc con ruồi nhỏ:” Cân, đong, đo, đếm kỹ lưỡng trong sự dâng hiến phần mười cho Chúa về những nguồn lợi nhỏ (thổ sản của ruộng, vườn). “Nuốt con lạc đà:” Lạm dụng quyền thế, địa vị để húng hiếp những người cô thế, thu những món lợi lớn, bất chính.

2. Khi câu nói diễn tả một sự so sánh vượt mức.

Các Quan Xét 7:12 điển hình cho nguyên tắc này: “Dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và hết thảy người phương Đông bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì đông vô số, khác nào cát nơi bờ biển.” Thật ra, tổng cộng số quân chỉ vào khoảng 135,000 người. Các Quan Xét 8:10 cho chúng ta biết điều đó. Những mệnh đề “đông như cào cào”“như cát nơi bờ biển” là những so sánh theo phép ngoa dụ, để làm nổi bật ý tưởng về một số lượng lớn, khó đếm. Lời Chúa hứa cùng Áp-ra-ham cũng là một câu ngoa dụ: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi, thì Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng: sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch” (Sáng Thế Ký 22:16, 17). Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:10 và 10:22 khẳng định lời hứa nói trên của Chúa đã được hoàn thành khi dân Y-sơ-ra-ên đang đi trong đồng vắng, chuẩn bị tiến vào đất hứa: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Thiên Chúa các ngươi đã gia thêm các ngươi, kìa ngày nay, các ngươi đông như sao trên trời.” “Khi tổ phụ ngươi xuống xứ Ê-díp-tô, số có bảy mươi người; còn bây giờ, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Thiên Chúa ngươi đã làm cho ngươi nhiều bằng số sao trên trời vậy.” Tuy nhiên, chúng ta biết rõ: toàn thể dân số thế giới cộng lại cũng không thể nào “nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển.” Do đó, chúng ta biết mệnh đề “nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển” là một lối so sánh dùng phép ngoa dụ.

3. Khi câu nói dùng những từ bao gồm, có tính đại chúng mà những nơi khác trong Thánh Kinh cho chúng ta biết có sự ngoại trừ.

Những từ: “hết thảy,” “tất cả,” “mọi người,” “mỗi người,” “ai nấy,” “không có ai…” là những từ có tính đại chúng, nghĩa là được dùng để chỉ một số đông cùng loại, một cộng đồng, một tập thể. Thông thường, những từ này có giá trị tuyệt đối của nó. Những câu sau đây trong Thánh Kinh cho thấy những từ này được dùng theo nghĩa tuyệt đối:

“Trong ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sinh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Thiên Chúa đã phải dặn” (Sáng Thế Ký 17:23)

“Vì hết thảy con đầu lòng đều thuộc về Ta; ngày xưa, khi Ta hành hại các con đầu lòng trong xứ Ê-díp-tô, Ta đã biệt riêng ra thánh cho Ta hết thảy con đầu lòng trong I-sơ-ra-ên, bất kể loài người hay thú vật; chúng nó đều sẽ thuộc về Ta. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Dân Số Ký 3:13).

“Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:3).

“Đấng ngự trên ngai phán rằng: “Này, Ta làm mới mọi sự!” Ngài lại phán với tôi: “Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín”” (Khải Huyền 21:5)

Tuy nhiên, có những lúc các từ nói trên được dùng theo phép ngoa dụ. Khi đó, ý nghĩa của chúng trở thành: “hầu hết.” Chúng ta nhận biết điều này qua sự bày tỏ của Thánh Kinh.

“Còn Ta đây, Ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng tuyệt diệt các xác thịt có sanh khí ở dưới trời; hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết” (Sáng Thế Ký 6:17). Thánh Kinh cho biết gia đình Nô-ê bao gồm tám người và vô số thú vật được ngoại trừ trong sự tuyệt diệt bởi cơn nước lụt.

“Hết thảy dân I-sơ-ra-ên lằm bằm cùng Môi-se và A-rôn; cả hội chúng nói cùng hai người rằng: Ước gì chúng tôi đã chết trong xứ Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy” (Dân Số Ký 14:2). Thánh Kinh cho biết Giô-suê và Ca-lép không những không lằm bằm cùng Môi-se và A-rôn mà còn đứng ra kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên tiến công đất hứa đến nỗi cả hai bị dân Y-sơ-ra-ên đòi ném đá (Dân Số Ký 14:10), cho nên, từ ngữ “hết thảy” “cả hội chúng” trong câu trên ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép.

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Chúng ta biết từ ngữ “mọi người” trong câu trên ngoại trừ Đức Chúa Jesus.

“Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Thánh Kinh cho biết Hê-nóc và Ê-li không trải qua sự chết (Sáng Thế Ký 5:24; II Các Vua 2:11). Thánh Kinh cũng cho biết nhiều người trong Hội Thánh sẽ không trải qua sự chết (I Cô-rinh-tô 15:51, 52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).

Ngoa dụ hay không ngoa dụ?

Nhiều lúc chúng ta sẽ bối rối khi đối diện với một số câu trong Thánh Kinh vì không biết phải sắp loại chúng như thế nào, để có thể hiểu được ý nghĩa thật sự của chúng. Rô-ma 3:9-18 là một phân đoạn điển hình cho trường hợp này:

9 Vậy, chúng tôi có điều gì tốt hơn chăng? Chẳng có trong mọi bề, vì chúng tôi đã cáo buộc trước đây rằng, những người Do-thái lẫn những người Hy-lạp, hết thảy đều ở dưới tội lỗi,

10 như đã được chép rằng: “Chẳng có người công chính, dù một người cũng không.

11 Chẳng có người hiểu biết. Chẳng có người tìm kiếm Đức Chúa Trời.

12 Họ đều sai lạc. Họ cùng nhau trở thành vô ích. Chẳng có người làm điều lành. Chẳng có đến một người.

13 Cổ họng của họ như mồ mã đã được mở ra. Những lưỡi của họ, chúng dùng sự dối trá. Chất độc của rắn hổ mang ở dưới những môi của họ.

14 Miệng của những kẻ ấy đầy lời nguyền rủa và chất đắng.

15 Những bàn chân của họ, chúng mau lẹ làm đổ máu.

16 Có sự tàn hại và sự khốn khổ trong những đường lối của họ.

17 Họ chẳng biết con đường bình an.

18 Chẳng có ai kính sợ Thiên Chúa trước mắt họ.”

Khi mới đọc qua phân đoạn nói trên, chúng ta có cảm tưởng Thánh Kinh công bố: Trong thế gian không có một người nào công bình, không có một người nào hiểu biết về Chúa, không có một người nào tìm kiếm Chúa, không có một người nào làm điều lành, dẫu một người cũng không! Tuy nhiên, chúng ta cũng nhớ ra rằng:

Thánh Kinh xác định: A-bên là người có đức tin nơi Chúa và được gọi là người công bình:

“Hầu cho hết thảy máu vô tội bị tràn ra trên mặt đất, đổ về các ngươi, từ máu A-bên là người công bình cho đến máu Xa-cha-ri là con của Ba-ra-chi, mà các ngươi đã giết ở giữa khoảng đền thờ và bàn thờ” (Ma-thi-ơ 23:35).

“Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.” (Hê-bơ-rơ 11:4)

Thánh Kinh xác định: Ngay từ thời của Ê-nót, cháu của A-đam và Ê-va:

“Người ta bắt đầu cầu khẩn Danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Sáng Thế Ký 4:26).

Người ta chỉ có thể cầu khẩn Danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khi người ta biết Ngài và tìm kiếm Ngài.

Thánh Kinh xác định: Nô-ê là một người công bình và toàn vẹn:

“Nầy là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và toàn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 6:9).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy Ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt Ta” (Sáng Thế Ký 7:1). “

Thánh Kinh xác định: Áp-ra-ham được Chúa kể là một người công bình:

“Áp-ram tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người” (Sáng Thế Ký 15:6).

Thánh Kinh xác định: Lót là người công bình:

“Nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình” (II Phi-e-rơ 2:7, 8).

Thánh Kinh xác định Gióp: “vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác” được Chúa gọi là “tôi tớ của Ta” (Gióp 1:8).

Thánh Kinh xác định: Trong dân Y-sơ-ra-ên có những người công bình:

“Ngươi phải tránh xa các lời giả dối; chớ giết kẻ vô tội và kẻ công bình, vì Ta chẳng hề tha kẻ gian ác đâu. Ngươi chớ nhậm của hối lộ, vì của hối lộ làm mờ mắt người thượng trí, và làm mất duyên do của kẻ công bình” (Xuất Ê-díp-tô- Ký 23:7, 8).

“Khi nào người ta có tranh tụng nhau, đi đến tòa để cầu quan án xét đoán, thì phải định công bình cho người công bình, và lên án kẻ có tội” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:1).

“Dầu mà Ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm” (Ê-xê-chi-ên 33:13).

“Nếu người công bình xoay bỏ sự công bình của mình mà phạm sự gian ác, thì nó sẽ chết trong đó” (Ê-xê-chi-ên 33:18).

Thánh Kinh xác định: Hễ ai tin nhận Đấng Christ thì được xưng là công bình:

“Lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:39).

“Vậy nên, chúng ta kết luận: người ta được xưng công chính bởi đức tin, không bởi những việc làm của luật pháp.” (Rô-ma 3:28).

Khi chúng ta liên kết câu 9 và câu 10 của Rô-ma 3 chúng ta nhận thấy: Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đang trình bày lẽ thật sau đây: Dù là người Do-thái hay người không Do-thái cũng đều bị quyền lực của tội lỗi bắt phục; mà những người bị quyền lực của tội lỗi bắt phục thì:“Chẳng có người công chính, dù một người cũng không. Chẳng có người hiểu biết. Chẳng có người tìm kiếm Đức Chúa Trời. Họ đều sai lạc. Họ cùng nhau trở thành vô ích. Chẳng có người làm điều lành. Chẳng có đến một người.” Phao-lô không có ý nói trong thế gian không có một người công bình nào hết. Phao-lô đang nói trong số những người bị tội lỗi bắt phục, cho dù có là người biết Chúa (người Do-thái) hay là người không biết Chúa (người Hy-lạp, người ngoại), cũng không có một người nào là công bình, dẫu một người cũng không! Điều này được rõ ràng hơn khi chúng ta tham khảo Thi Thiên 14 là phân đoạn mà Phao-lô trích dẫn:

1 Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Thiên Chúa. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.

2 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ trên trời nhìn xuống con cái của loài người, Để xem có ai khôn ngoan, Tìm kiếm Thiên Chúa chăng.

3 Chúng nó hết thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không.

4 Các kẻ làm ác chẳng hiểu biết sao? Chúng nó ăn nuốt dân ta khác nào ăn bánh, và cũng chẳng hề cầu khẩn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

5 Chúng nó sợ hãi, Vì Thiên Chúa ở giữa dòng dõi người công bình.

6 Các ngươi làm hổ thẹn mưu ý của kẻ khốn khổ, bởi vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là nơi nương náu của người.

7 Ôi! Ước gì từ Si-ôn sự cứu rỗi của I-sơ-ra-ên đã đến! Khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đem về những phu tù của dân sự Ngài, Thì Gia-cốp sẽ mừng rỡ và I-sơ-ra-ên vui vẻ.

Chúng ta nhận thấy có hai loại người trong thế gian này: “kẻ ngu dại, các con loài người”“dân Ta, dòng dõi người công bình.” Câu: “Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm đều lành” là nói về những “kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Thiên Chúa,” là những kẻ “ăn nuốt dân Ta khác nào ăn bánh, và cũng chẳng hề cầu khẩn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chứ không phải nói chung về loài người trong toàn thế gian. Bởi vì, trong thế gian còn có loại người được gọi là con dân của Chúa, là dòng dõi người công bình (chỉ về Đức Chúa Jesus Christ). Họ được gọi là công bình không phải bản chất họ công bình, nhưng vì: Họ tin Đức Chúa Trời thì Chúa xưng họ là những người công bình và Ngài ở giữa họ.

Kết Luận

Vì Thánh Kinh được viết cho loài người bằng ngôn ngữ của loài người, để giúp loài người nhận biết Thiên Chúa và thánh ý của Ngài, cho nên, Thánh Kinh vận dụng các phương tiện và hình thức của ngôn ngữ loài người. Một trong các hình thức ấy là phép ngoa dụ, để nhấn mạnh một ý chính. Nhận biết đâu là những câu dùng phép ngoa dụ trong Thánh Kinh giúp chúng ta tránh được sự giải luận sai lầm Lời Chúa, mà nắm bắt được ý chính Chúa muốn dạy dỗ chúng ta.

Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 4:12), cho nên, Thánh Kinh không bao giờ tự mâu thuẫn. Khi gặp những phân đoạn khó hiểu trong Thánh Kinh, chúng ta cần dành thời gian suy ngẫm, tra xét, đối chiếu với những phân đoạn khác, và cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta nhận ra lẽ thật trong Lời Chúa. Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật sẽ dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13), khi chúng ta dọn lòng thánh khiết để tìm kiếm lẽ thật của Thánh Kinh.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

04/20/2009