Công Tác Phiên Dịch và Giảng Giải Thánh Kinh

12,224 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn Nhập

Thánh Kinh – Lời của Đức Chúa Trời giãi bày chính Ngài cho nhân loại trải qua mọi thời đại – được viết từ nhiều ngàn năm trước, trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau, bởi ba ngôn ngữ cổ, là: tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng Hy-lạp, và tiếng A-ra-mai. Đối với thế giới hiện đại, Thánh Kinh nhiều khi trở thành khó hiểu ngay trong chính các ngôn ngữ đã được dùng để viết Thánh Kinh. Lý do là: ngôn ngữ lẫn văn hóa đều biến đổi theo thời gian. Chính vì thế, việc phiên dịch Thánh Kinh sang một ngôn ngữ khác đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử. Trên hết những điều đó, điều quan trọng không thể thiếu nơi người làm công tác phiên dịch, là tấm lòng trong sạch, sống thánh khiết theo Lời Chúa, hoàn toàn đầu phục sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Trong sự giảng giải Thánh Kinh, những tiêu chuẩn căn bản phải có cũng tương tự như những tiêu chuẩn căn bản của sự phiên dịch Thánh Kinh. Nói như thế, không hàm ý rằng, chỉ những người có kiến thức chuyên môn và tấm lòng trong sạch, hoàn toàn đầu phục Chúa, thì mới có thể hiểu được Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, cho nên, Thánh Kinh là tuyệt đối và vô hạn, như chính mình Đức Chúa Trời là tuyệt đối và vô hạn. Chính Đức Chúa Trời làm cho Lời của Ngài, được tôn cao hơn cả Danh của Ngài (Thi Thiên 138:2). Tuy nhiên, đối tượng của Thánh Kinh là loài người đang chết mất trong tội lỗi. Chính vì thế, mỗi một người đều có khả năng hiểu biết Thánh Kinh, ngay trong hiện trạng của mình, dù ở trong trình độ học vấn nào.

Mỗi một người đều có thể nhờ được nghe, đọc Thánh Kinh, mà: nhận thức mình là tội nhân; nhận thức Đức Chúa Trời là công chính và yêu thương; nhận thức Đức Chúa Trời có chương trình cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Sau khi một người đã tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nếu có lòng say mê tìm hiểu Lời Ngài, thì Đức Thánh Linh sẽ ban sự khôn ngoan càng hơn cho người ấy, để người ấy hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm hơn. Chính lòng say mê tìm hiểu Lời Chúa, đã khiến cho một số người tìm học thêm về các ngôn ngữ đã được dùng để viết Thánh Kinh; tìm học biết về bối cảnh văn hóa và lịch sử lúc Thánh Kinh được viết. Như vậy, ai cũng có thể hiểu biết Thánh Kinh, nhưng sự hiểu biết của mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào mức độ yêu mến, vâng phục, và tìm kiếm những sự sâu nhiệm trong Lời Chúa. Những người được chính Chúa (không phải các giáo hội) kêu gọi vào trong các chức vụ chăn bầy và dạy Lời Chúa, đều là những người có lòng vô cùng khao khát Lời Chúa, và được Chúa ban ơn, ban phương tiện, trong sự học và giảng Lời Chúa.

Những Công Tác Trong Hội Thánh

Theo Lời Chúa trong Ê-phê-sô 4:11, thì chính Chúa đã giao các công tác sau đây cho một số người trong Hội Thánh:

1. Công tác sứ đồ: Đi khắp thế gian, khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa; nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi làm báp-tem cho họ; và dạy họ giữ những điều mà Đức Chúa Jesus đã truyền. Ngày nay, các giáo hội gọi những người làm công tác sứ đồ là giáo sĩ.

2. Công tác tiên tri: Công bố Lời Chúa liên quan đến tình trạng thuộc linh của Hội Thánh. Đây cũng là những người chỉ ra tội lỗi trong Hội Thánh và kêu gọi Hội Thánh ăn năn. Ngày nay, nhiều giáo hội không tin rằng chức vụ và công tác tiên tri vẫn còn trong Hội Thánh. Ngược lại, cũng có nhiều người tự dấy lên, xưng mình là tiên tri của Chúa, rồi tâng bốc lẫn nhau, tạo thành “phong trào tiên tri.”

3. Công tác giảng Tin Lành: Rao giảng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại. Mặc dù bổn phận của mỗi thánh đồ là: Rao truyền sự chết của Đấng Christ cho tới lúc Ngài đến (I Cô-rinh-tô 11:6), tức là giảng Tin lành – nhưng Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh những người chuyên biệt, dành toàn thời gian để làm công tác này, (như Chấp Sự Phi-líp – Công Vụ Các Sứ Đồ 8). Sự khác biệt giữa công tác sứ đồ và công tác giảng Tin Lành là: các sứ đồ vừa giảng, vừa dạy, nghĩa là thành lập các Hội Thánh địa phương; trong khi các nhà truyền giáo chỉ đi từ nơi này sang nơi khác, để giảng Tin Lành mà thôi, không ở lại để dạy Đạo, gây dựng Hội Thánh.

4. Công tác chăn bầy: Đây là công tác cho chiên của Chúa ăn đúng giờ, như khi Chúa giao trách nhiệm chăn chiên cho Phi-e-rơ. Trong Giăng 21:15-17, Đức Chúa Jesus giao cho Phi-e-rơ trách nhiệm cho chiên của Chúa ăn, mà Bản Dịch Phan Khôi đã dịch diễn ý thành: “Hãy chăn chiên Ta!” Ngụ ngôn về hai loại đầy tớ trong Ma-thi-ơ 24:43-51, có nói đến những người chăn bầy khôn ngoan, trung tín biết cho chiên của Chúa ăn đúng giờ.

Công tác chăn bầy hay cho chiên của Chúa ăn là công tác đọc và giảng Lời Chúa cho Hội Thánh. Công tác này không đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử như công tác phiên dịch Thánh Kinh và dạy Thánh Kinh. Người làm công tác chăn bầy chỉ cần có tấm lòng yêu Chúa hơn tất cả mọi sự, và được Chúa giao cho trách nhiệm chăn bầy (Giăng 21). Người có tấm lòng yêu Chúa hơn tất cả mọi sự đương nhiên là người kính sợ Chúa, mà kính sợ Chúa là khởi đầu cho sự tri thức (Châm Ngôn 1:7), là người được Đức Thánh Linh dẫn vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13), để có thể giảng dạy cho bầy chiên mà Ngài đã giao phó cho người ấy chăn dắt (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

5. Công tác dạy Lời Chúa: Đây là công tác bao gồm sự phiên dịch Thánh Kinh, sự giải thích Thánh Kinh, sự hệ thống hóa các giáo lý của Thánh Kinh, để giảng dạy những sự sâu nhiệm trong Lời Chúa cho Hội Thánh. Dù là công tác thứ yếu – so về thứ tự ưu tiên – vì được liệt kê sau cùng trong các công tác Chúa lập ra trong Hội Thánh, nhưng không có nghĩa là không có cũng được. Thứ yếu không có nghĩa là không cần thiết, mà có nghĩa là được thực hiện sau các công tác khác.

Người làm công tác chăn bầy thì cho chiên của Chúa ăn đúng giờ, ăn thức ăn tốt, và ăn no. Người làm công tác dạy Lời Chúa thì cho chiên của Chúa ăn những món ngon, những bữa đại tiệc thuộc linh.

Hội Thánh được xây dựng và phát triển nhờ vào năm công tác nói trên, do chính Đấng Christ giao phó. Các công tác phải được thực hiện chính xác theo Lời Chúa và bởi sự ban ơn của Ngài, nếu không, tai họa sẽ đến với Hội Thánh. Riêng công tác dạy Lời Chúa – bao gồm sự phiên dịch và giải thích Thánh Kinh – trở thành quan trọng trong những ngày cuối cùng của mọi thời đại, khi mà sự bội đạo ngày càng gia tăng, trước ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Vì sự chân thật của Lời Chúa có được bảo tồn trong các bản dịch Thánh Kinh, các tài liệu thần học, và trong sự giảng dạy, thì quyền năng của Lời Chúa mới thay đổi được lòng người, khiến tội nhân trở thành tín đồ và thánh hóa con dân Chúa, khiến tín đồ trở thành thánh đồ (Giăng 17:17), sẵn sàng cho sự hiện ra vinh hiển của Đấng Christ.

Lỗi Lầm Trong Sự Phiên Dịch Thánh Kinh

Hiện nay, Thánh Kinh đã được dịch ra trên hai ngàn ngôn ngữ khác nhau trong thế giới. Chỉ riêng trong Anh ngữ, đã có hàng chục bản dịch khác nhau. Tuy nhiên, trong các bản dịch Thánh Kinh, vàng thau lẫn lộn. Có những bản dịch đúng với Lời Chúa và có những bản dịch bẻ cong, hoặc thêm, bớt Lời Chúa. Điển hình trong các bản dịch Anh ngữ cho sự bẻ cong và thêm, bớt Lời Chúa trong khi phiên dịch, là bản The Message (do Pastor Eugene H. Peterson dịch và phát hành năm 1993). Bản The Message này được Pastor Rick Warren sử dụng phần lớn trong sự trích dẫn, để yểm trợ cho các tư tưởng tiêm nhiễm tâm lý học và ngoại giáo New Age trong tác phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích (The Purpose Driven Life), là tác phẩm thuộc hàng bán chạy nhất trong thập niên qua, tạo thành “Phong Trào Sống Theo Đúng Mục Đích,” nhưng cũng là tác phẩm chứa đựng những sai lầm, nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh.

Riêng về Thánh Kinh Việt ngữ, đầu tiên có bản dịch toàn bộ Thánh Kinh, do nhà văn Phan Khôi dịch, dưới sự giám sát của Giáo Sĩ William Charles Cadman, phát hành năm 1926. Bản dịch này được sử dụng rộng rãi trong các giáo phái Tin Lành, cho đến ngày nay. Không kể đến các bản dịch Việt ngữ của Công Giáo, từ năm 1982 đến nay, có nhiều bản dịch Việt ngữ khác của Tin Lành, đã được thực hiện với mục đích sử dụng từ ngữ và văn phong hiện đại, hầu giúp cho người đọc dễ tiếp nhận và hiểu biết nội dung của Thánh Kinh. Việc phiên dịch hoặc hiệu đính Thánh Kinh là cần thiết, nhưng nếu được thi hành theo sự khôn ngoan riêng của xác thịt, thay vì theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, thì trở thành phạm tội và gây đại họa cho Hội Thánh. Năm trong sáu bản dịch Việt ngữ được phát hành từ năm 1982 đến nay (2009), đã vi phạm một hoặc hai lỗi lầm quan trọng:

Hai lần sửa lời Chúa phán với bà Ma-ri, từ “đàn bà” thành “thưa mẹ” (Giăng 2:4; 19:26). Đây là hành động phạm thượng mà chính những người Công Giáo, dù rất tôn sùng bà Mari, cũng không dám phạm trong các bản dịch Thánh Kinh của họ. Lý do các dịch giả sửa đổi Lời Chúa, là “để cho phù hợp với văn hóa hiếu kính cha mẹ của người Việt.” Điều này nói lên tinh thần “Thần Học Hội Nhập,” là nền thần học cho rằng, cần phải hội nhập văn hóa dân tộc vào trong Tin Lành, để đem Tin Lành đến với dân tộc. Thần học này cho rằng, nếu không đưa văn hóa dân tộc vào Tin Lành, thì sẽ khó mà khiến cho một dân tộc tin nhận Chúa. “Thần Học Hội Nhập” vì thế, đã phủ nhận năng lực cứu rỗi của Tin Lành (Rô-ma 1:16), mà nương cậy vào văn hóa của thế tục. Tại Việt Nam, người Công Giáo đã mở đường cho nền thần học này, khi cho phép giáo dân Công Giáo được tổ chức những ngày giỗ người chết, lập bàn thờ tổ tiên trong nhà với hình người chết và nhang đèn, bông hoa…

Vì tiêm nhiễm tinh thần “Thần Học Hội Nhập,” mà các dịch giả của những bản dịch nói trên đã quên rằng, sách Tin Lành Giăng trình bày Thần tính của Đức Chúa Jesus. Chính vì thế, mà sách Tin Lành Giăng đã không ghi lại những chi tiết về sự giáng sinh hay những tháng năm thơ ấu của Đức Chúa Jesus. Đức Thánh Linh đã thần cảm Sứ Đồ Giăng mở đầu sách Tin Lành Giăng bằng lời tuyên bố về Thần tính của Đức Chúa Jesus: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Chúa Trời” (Giăng 1:1 – dịch sát ý). Trong nguyên tác, chữ Chúa Trời ở cuối câu không có mạo tự “Đức” đi theo, và như vậy, chữ ấy chỉ về bản thể Thiên Chúa thay vì chỉ về thân vị Thiên Chúa. Sau khi giới thiệu sự thực hữu từ vĩnh cửu của Đức Chúa Jesus, Sứ Đồ Giăng đi thẳng vào sự kiện Đức Chúa Jesus tiếp nhận sự xức dầu từ Đức Chúa Cha, để trở nên Đấng Christ. Sự kiện đó được thể hiện qua lễ báp-tem của Đức Chúa Jesus dưới sông Giô-đanh. Kể từ giây phút ra khỏi nước sông Giô-đanh (tượng trưng cho sự chết trong sự đoán phạt tội lỗi của Đức Chúa Trời thay cho toàn thể nhân loại và sự sống lại từ cõi chết), Đức Chúa Jesus đã nhận lãnh Thánh Linh một cách không giới hạn (Giăng 3:4) vào thân thể xác thịt của Ngài, để thi hành công tác rao giảng Tin Lành và cứu rỗi nhân loại trong chức vụ Đấng Christ! Cũng chính từ giây phút đó, những lời Chúa phán với bà Ma-ri không còn trong quan hệ mẹ con về phần xác nữa, mà là trong quan hệ của Cứu Chúa với người được cứu chuộc. Khi Đức Chúa Jesus phán với bà Ma-ri trong tiệc cưới Ca-na và trên đồi Gô-gô-tha, là Ngài phán trong tư cách của Đấng Tạo Hóa phán với loài thọ tạo, chứ không phải trong tư cách của một người con thưa chuyện với mẹ!

Tùy tiện sửa đổi Lời Chúa theo sự khôn ngoan riêng của xác thịt là phạm tội, cần phải ăn năn.

Xóa bỏ danh xưng CHRIST của Đức Chúa Jesus. Thay vì dịch là: “Đức Chúa Jesus Christ” theo đúng nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, thì lại dịch thành: “Chúa Cứu Thế Giê-su.” Lý do được đưa ra là: danh xưng CHRIST khó dịch và khó phát âm đối với người Việt. Thật ra, danh xưng CHRIST trước đó đã được phiên âm thành: “Ki-tô” và “Cơ-đốc.” Danh xưng CHRIST đã từng được dịch ra rất đúng là “Đấng được xức dầu,” việc còn lại chỉ là giải thích cho độc giả biết danh xưng CHRIST có nghĩa là gì, chứ không phải xóa bỏ danh xưng đó, để rồi độc giả không bao giờ biết đến danh xưng và ý nghĩa của danh xưng CHRIST.

Thánh Kinh Cựu Ước tiên tri và giới thiệu về Đấng Christ. Thánh Kinh Tân Ước không trình bày Đức Chúa Jesus mà trình bày Đức Chúa Jesus Christ! Một trong những mục đích của sách Tin Lành Ma-thi-ơ, là chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ đã được tiên tri trong Cựu Ước. Nếu chỉ có Đức Chúa Jesus thì chúng ta chỉ có Đấng tạo dựng nên thế gian và Đấng phán xét thế gian, nhưng vì Đấng ấy mang lấy danh xưng CHRIST, mà chúng ta có:

1. Tiên tri của mọi tiên tri: là Đấng giãi bày Cha chúng ta biết (Giăng 1:18).

2. Thầy tế lễ thượng phẩm của mọi thầy tế lễ thượng phẩm: là Đấng vào tận trong nơi chí thánh trên trời, dâng chính sinh mạng mình làm của lễ chuộc tội cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:12).

3. Vua của muôn vua, Chúa của muôn Chúa: là Đấng cai trị lòng những ai tin nhận, đầu phục Chúa, cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên đất trong một ngàn năm, rồi cai trị muôn loài trong trời mới đất mới cho đến mãi mãi (Khải Huyền 19:16; 20).

Xóa bỏ danh xưng CHRIST là xóa bỏ các chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và vua của Đức Chúa Jesus, mà Đức Chúa Cha đã kêu gọi và trao cho Ngài. Hành động ấy đương nhiên khước từ sự dạy dỗ, sự cứu chuộc, và sự cai trị của Đấng Được Xức Dầu: Đấng Christ!

Có thể nói, những bản dịch xóa bỏ danh xưng Christ là những bản dịch anti-Christ! Thử hỏi, làm sao chúng ta có thể tin rằng, những bản dịch phạm phải các sai lầm nghiêm trọng như vậy, mà các dịch giả lại được sự ban ơn và dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh? Tất cả những việc làm dựa vào sự khôn ngoan của xác thịt, hòa nhập với văn hóa của thế gian, kết quả của sự kiêu ngạo thuộc linh…, cần phải được đem ra khỏi Hội Thánh của Chúa, đem ra khỏi nếp sống Đạo của mỗi một con dân Chúa.

Lỗi Lầm Trong Việc Giảng Giải Thánh Kinh

Công tác giảng giải Lời Chúa bao gồm sự biên soạn các tài liệu chú giải Thánh Kinh, Thần Học Hệ Thống, và các bài giảng luận. Trong Anh ngữ có rất nhiều bộ chú giải Thánh Kinh (Bible Commentary) và các bộ Thần Học (Theology). Nhiều bộ đã được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng như các bản dịch Thánh Kinh. Thế giới của các bộ chú giải Thánh Kinh và Thần Học cũng là thế giới của vàng thau lẫn lộn.

Có một bộ giải kinh Anh ngữ được dịch sang tiếng Việt với tựa là: Giải Nghĩa Kinh Thánh, Ấn Bản Thế Kỷ 21, do Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam phát hành, không biết căn cứ vào đâu, chú giải rằng: “Nô-ê là A-đam thứ hai,” trong khi Thánh Kinh chỉ dùng danh xưng A-đam để gọi A-đam và Đức Chúa Jesus Christ. A-đam thứ nhất trở nên linh sống nhưng A-đam sau cùng, là Đấng Christ, là “Thần ban sự sống” (I Cô-rinh-tô 15:45).

Có một tác phẩm Thần Học Việt ngữ được biên soạn bởi một mục sư tiến sĩ, tựa là: Nền Tảng Thiên Đạo Học, nhưng vị này, trong một tác phẩm khác, viết cho người ngoại đạo tìm hiểu về Chúa, với tựa: Cuộc Đời Kỳ Diệu Của Chúa Cứu Thế, thì ngay trong những dòng đầu tiên, ông đã viết những lời như sau:

Sau khi sáng tạo loài người, Đấng Sáng Tạo đặt vợ chồng Ông bà Tổ vào ở trong vườn địa đàng mà Ngài đã sửa soạn. Tức là một khu vườn đẹp đẻ, tốt tươi, có cả muôn chim chóc, bông hoa, cây trái, và thú vật. Cảnh đẹp, suối mát, trăng thanh để loài người thưởng thức vào những ngày rong chơi mệt mõi. Cây trái, hoa quả, rau cỏ để làm thức ăn nhẹ. Chim trời, cá biển, động vật để làm đồ ăn mỗi ngày cho Ông bà Tổ, A-đam và E-va. Tuy nhiên, nói chung trong toàn thể thế gian mà Đấng Sáng Tạo đã lập có cây trái ngon ngọt thì cũng có trái đắng. Cỏ thơm thì cũng có cỏ dại; thú hiền thì cũng có thú dữ; động vật trong đồng nội, thì cũng có động vật ngoài rừng hoang; có cá ăn thịt được, thì cũng có cá không ăn thịt được…”

Đọc xong những lời trên đây, thì những ai đã từng đọc qua Sáng Thế Ký 1, 2 và 9:3, đều biết rằng, tác giả đã quên hết những gì được ghi chép trong Thánh Kinh, mà thả hồn, phóng bút theo sự tưởng tượng của mình. Nếu những điều Thánh Kinh ghi chép rõ ràng, mà tác giả thuật lại còn không đúng, thì làm sao độc giả có thể tin cậy được công trình biên soạn tác phẩm thần học của ông?

Thành Quả Phiên Dịch và Giảng Giải Thánh Kinh cho Người Việt Nam

Tin Lành đến Việt Nam gần được 100 năm (1911-2009), nhưng thành quả của công tác phiên dịch và giảng giải Lời Chúa thật hạn hẹp! Đã vậy, lại có quá nhiều “trái xấu” trong công tác này. Thánh Kinh Việt ngữ toàn tập đã được phát hành từ năm 1926. Từ đó đến nay, Lời Chúa đã đi vào ngôn ngữ Việt, làm biến đổi biết bao nhiêu cuộc đời, đem lại sự cứu rỗi và thánh hóa biết bao nhiêu linh hồn Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm đối với người Việt Nam vẫn còn bị giới hạn, vì thiếu các tài liệu tham khảo, phân tích, giải kinh Việt ngữ.

Nói như thế, không có nghĩa thiếu các tài liệu nói trên thì người Việt không đạt được lẽ thật của Lời Chúa. Trong giới hạn hiện tại về tài liệu tham khảo tiếng Việt, người đọc Thánh Kinh vẫn: nhận biết những chân lý của Thánh Kinh về tình trạng tội lỗi của nhân loại; nhận biết sự công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời; nhận biết tình yêu của Đức Chúa Trời và chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho nhân loại. Điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây, là nhu cầu được hiểu biết Lời Chúa một cách sâu nhiệm – vượt qua sự hiểu biết đủ để áp dụng vào trong nếp sống Đạo mỗi ngày – đạt đến sự thấm nhuần những ý nghĩa thâm thúy của Lời Chúa, để có thể cùng a-men với các tác giả Thi Thiên trong những vần thơ ca tụng Lời Chúa. Ca tụng Lời Chúa bằng đức tin là điều chúng ta vẫn làm, nhưng để có thể thật lòng, đồng thanh với các tác giả Thi Thiên, reo lên rằng: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao!” thì cần phải có kinh nghiệm trong trí thức thuộc linh.

Mặt khác, những lỗi lầm và thiếu sót trong khi phiên dịch Thánh Kinh vì vô tình và thiếu hiểu biết, khó thể tránh được, nhưng không làm hại người đọc, mà chỉ giới hạn người đọc trong việc hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa. Những lỗi lầm cố ý trong khi phiên dịch Thánh Kinh, vì tinh thần hội nhập văn hóa thế tục vào Thánh Kinh, vì sự kiêu ngạo của xác thịt, mới làm hại cho người đọc. Điển hình là các bản dịch anti-Christ như đã nói qua trên đây. Trong năm 2008, tại Việt Nam có một triệu ấn bản Tân Ước của một bản dịch mới thuộc loại này, được in ra và phát hành khắp nước. Ngoài ra, hàng chục ngàn ấn bản Tân Cựu Ước của một bản dịch mới khác, đã và đang tiếp tục được in ra, phổ biến sâu rộng trong các Hội Thánh tại Việt Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, nhiều giáo hội đã loại bỏ bản dịch Phan Khôi và sử dụng một bản dịch mới, mang tính anti-Christ nói trên. Nguyện Đức Thánh Linh giúp Hội Thánh Việt Nam nhận thức sự sai lầm nghiêm trọng trong các bản dịch mới.

Kết Luận

Ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã gần. Trong những ngày tháng kinh hoàng của thời đại Antichrist, dân tộc Việt Nam (với dân số có thể lên đến 100 triệu vào lúc ấy), cần có một bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ với từ ngữ và văn phong hiện đại, đồng thời trung thực với nguyên tác của Lời Chúa. Thời khoảng đó, vì thiên tai và sự bách hại của Antichrist, những sự nhóm họp, học hỏi Lời Chúa cũng sẽ rất là giới hạn, cho nên, dân tộc Việt Nam cũng cần có một bộ giải kinh ngắn gọn, để bất cứ một tân tín đồ nào cũng có thể tự đọc và hiểu Lời Chúa một cách căn bản. Bộ giải kinh đó cần phải được biên soạn trong tinh thần áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống của những người tin nhận Chúa trong thời đại nạn.

Công tác biên soạn và kết hợp một bản dịch Thánh Kinh trung thực với bộ giải kinh thực dụng, thành một bộ Học Lời Chúa (Study Bible) cho dân Việt, là tiếng gọi của Chúa đối với chúng tôi. Kính xin quý con dân Chúa khắp nơi, cầu thay cho công tác này sớm được hoàn thành.

Kính mong quý con dân Chúa khắp nơi chuẩn bị tài chánh, để đóng góp trong việc in thành sách, ghi âm vào CD, và trong việc in, phát hành bộ Học Lời Chúa đến tận tay thật nhiều người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Bộ Học Lời Chúa sẽ hoàn toàn được trao tặng miễn phí. Đây có thể là công tác cuối cùng của Hội Thánh Việt Nam trên đất, mà mỗi một con dân chân thật của Chúa có thể hiệp một để đồng công.

Nguyện sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời bao phủ Hội Thánh và dân tộc Việt Nam.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/04/2009

Phụ Lục

Công tác chăn bầy bị dịch sai trong hầu hết các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ thành “mục sư.” “Mục sư” có nghĩa là “thầy chăn.” Chữ “poimēn”được dùng trong Ê-phê-sô 4:11 cũng là chữ “poimēn” được dùng trong Lu-ca 2:8 và Giăng 10:11. Trong nguyên tác Hy-lạp, chữ “poimēn” là ποιμήν trong nguyên thể, là ποιμένας trong túc từ số nhiều trực tiếp cách; là ποιμένες trong số nhiều chủ thể cách. Theo Tự Điển Hy-lạp Anh Thayer’s Greek Definitions, chữ “poimēn” theo nghĩa đen là: “người chăn gia súc, đặc biệt là chăn chiên;” theo nghĩa bóng là: “người quản nhiệm, người cai trị một Hội Thánh địa phương.”

Chúng ta hãy đối chiếu cách dịch chữ “poimēn” trong ba câu Thánh Kinh dưới đây, qua Bản Dịch Phan Khôi và Bản Dịch King James, để thấy sự sai lầm trong việc dùng danh từ “mục sư” trong các bản Thánh Kinh Việt ngữ, và trong Hội Thánh. Các giáo hội do loài người lập ra thì có thể có các chức “cha” và “thầy chăn;” nhưng Hội Thánh thật của Chúa thì không có các danh xưng ấy.

Lu-ca 2:8

Καὶ ποιμένες ἦσαν ἐν τῇ χώρᾳ τῇ αὐτῇ ἀγραυλοῦντες καὶ φυλάσσοντες φυλακὰς τῆς νυκτὸς ἐπὶ τὴν ποίμνην αὐτῶν.

Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên (Bản Dịch Phan Khôi).

And there were in the same country shepherds abiding in the field, keeping watch over their flock by night (Bản Dịch King James).

Giăng 10:11

ἐγώ εἰμι ὁ ποιμὴν ὁ καλός. ὁ ποιμὴν ὁ καλὸς τὴν ψυχὴν αὐτοῦ τίθησιν ὑπὲρ τῶν προβάτων·

Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình (Bản Dịch Phan Khôi).

I am the good shepherd: the good shepherd giveth his life for the sheep (Bản Dịch King James).

Ê-phê-sô 4:11

καὶ αὐτὸς ἔδωκε τοὺς μὲν ἀποστόλους, τοὺς δὲ προφήτας, τοὺς δὲ εὐαγγελιστάς, τοὺς δὲ ποιμένας καὶ διδασκάλους,

Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư (Bản Dịch Phan Khôi).

And he gave some, apostles; and some, prophets; and some, evangelists; and some, pastors and teachers (Bản Dịch King James).

Trong Bản Dịch King James, chữ “poimēn” được dịch đúng nghĩa là: “shepherd” hoặc “pastor,” vì cả hai chữ này đều có nghĩa là “người chăn.” Trong Bản Dịch Phan Khôi, chữ “poimēn” được dịch đúng trong Lu-ca 2:8 và Giăng 10:11, là: “mấy kẻ chăn chiên” và “người chăn;” nhưng đã dịch sai trong Ê-phê-sô 4:11, khi dịch là: “mục sư,” nghĩa là: “thầy chăn.”

Tại sao Đức Chúa Jesus tự xưng là “poimēn” thì được dịch là: “Ta là người chăn!” mà Đức Thánh Linh phán rằng, Chúa đã lập những “poimēn” trong Hội Thánh, thì lại dịch là: “mục sư,” là: “thầy chăn?” Dịch như vậy là sai, cần phải sửa lại cho đúng, để tránh tội phạm thượng. Vì Đức Chúa Jesus xưng Ngài là “người chăn,” mà các tôi tớ Chúa người Việt lẫn người Hoa lại xưng mình là “thầy chăn.” Không biết thì không có tội nhưng biết rồi mà không chịu sửa, thì có tội và thêm tội. Có tội phạm thượng và thêm tội kiêu ngạo, cứng lòng, không hối cải.

Xin xem thêm phần bài viết về danh xưng “mục sư” tại đây:
http://www.timhieutinlanh.com/?p=3550